Nội dung bài viết
Nhang án là không gian thờ cúng có sự giao giữa người mất, tổ tiên và người còn sống. Từ Y môn, tức mép ngoài Giường Hành trở ra là nơi đặt Hương Án, với ý nghĩa là nơi thanh trần tẩy uế, tạo ra mối liên hệ giữa lòng thành kính của con cháu đối với sự phù hộ độ trì của gia thần và tiên tổ.
Nhang án
1. Bát Hương
Chính giữa ban hương án, phía ngoài là Bát Hương, nhiều gia đình, có thể là một Bát Hương công đồng duy nhất, cũng có thể là ba Bát Hương rút gọn từ mô hình ban thờ tổ họ: bát chính giữa thần linh công đồng, bát hai bên là gia tiên và bà Cô ông Mãnh, tùy nơi mà bài trí.
Xét thấy sự thờ cúng vậy vừa nhiêu khê, vừa mang tính mê tín mù mờ khi cho rằng bát hương cần riêng biệt, lại có cốt ghi tên vong linh. Giả sử, mỗi nhà mà cứ bố trí mỗi vị tiền nhân một bát thì sao đủ chỗ?
Hương khói cũng là phản ánh tâm thức hình tượng hóa lòng thành kính bay lên cõi trên, ban đầu người ta đốt cỏ thơm trộn dầu, sau mới có hình thức que hương cho tiện dùng. Bát hương là sự hiện thực hóa một cõi vô hình gắn liền với mối liên hệ con cháu và tiên tổ, không bao hàm ý nghĩa ai đó ngự trong Bát Hương. Khi thiêu hương thì nên chọn số lẻ, lẻ là tượng số mang tính dương, phù hợp với bay lên ” dương thăng âm giáng”. Khi rút hương thì nên gia thêm, chứ không bớt đi, tức đã rút 4 nén thì nên thêm 1, chứ không bớt 1.
2. Bộ tam sự, ngũ sự, thất sự
Bộ tam sự bao gồm một Đỉnh Trầm chính giữa và 2 bộ đèn hai bên. Bộ ngũ sự thì thêm 2 ống cắm hương hai bên. Bộ thất sự thì thêm Hạp hương để đựng trầm, đồ đốt thơm và Lọ cắm thìa, đũa để sử dụng khi đôt trầm. Ý nghĩa của bộ đồ thờ này là nhằm xông thơm, tẩy sạch, tạo không khí trang nghiêm và linh thiêng cho không gian thờ tự. Không nên bài trí bộ Đỉnh, hạc chính tâm ban thờ, tuy có nổi trội về hình tướng, nhưng lấn át tâm linh.
3. Song bình cạnh nhang án
Là đôi lọ to bằng gốm hoặc chất liệu khác như gỗ, kim khí… dùng để trưng bày đặt cạnh nhang án, cũng có khi cắm đôi thân chuối non mỗi khi tế tự, nhưng gần đây không còn thấy.
4. Độc bình/Lộc bình, Bình hoa/Chóe
Đây là các đồ thờ tương đối mang tính lựa chọn tự do, có thể có, có thể không.
Độc bình/Lộc bình vốn có nguồn gốc từ Bình tài lộc /Hồ lô tài lộc, là pháp khí cầu tài lộc của đạo Giáo, lâu dần hòa nhập thành 1 chiếc lọ bày trên Hương án, thường được bỏ trống, cũng có khi giấu vàng bạc, đồ quý… nhằm hút sinh khí cầu tài lộc.
Bình hoa cũng là một biến thể công năng từ Độc bình, thay vì bỏ trống hay đặt kim ngân, đồ quý thì cắm hoa.
Chóe vừa là đồ trang trí vừa sử dụng trữ nước sạch để cúng, nhưng nguyên gốc cũng chính là Bình tài lộc hay Hồ lô tài lộc.
Lời kết về Bài trí ban thờ truyền thống
Nhìn chung, việc thờ tự thì không có một khuôn phép cố định duy nhất, mà theo thời gian và tập tục đương thời, có sự biến đổi cho phù hợp. Trên đây, chỉ là các quan sát và cố gắng lược giải nguồn gốc có liên hệ đến tư duy “sự tử như sự sinh”. Không gian ban thờ 3 lớp là phù hợp với quan niệm về ngũ hành với nhân sinh quan người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng.
Tính từ Nhang Án tương ứng với hành Hỏa, là tượng cho sự ấm nóng, thăng lên của khói hương trầm; Thực Án là hành Thổ, Kim, tượng cho sự hàm chứa sản vật của Đất dưới Trời dâng hiến lên Tiên tổ; Thần Án là hành Thủy, tượng cho sự trường tồn của các vị thần linh, tinh linh, là nguồn cội cho sinh tồn của gia tộc. Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc là tượng cho sự sống, sinh sôi, tiếp nối thế thứ của con cháu.
Chính vì lẽ đó, mà bài trí ban thờ có thể tùy biến, song phải bảo đảm tính tương sinh trên mỗi lớp ban thờ, sao cho Âm Thủy vượng Dương Hỏa thịnh hơn là suy bại, và lấy hòa hợp làm đầu hơn là tuyệt đối lấn át. Ví dụ, cũng nên tránh bài trí nước lửa trực xung khi đặt Rượu, nước… sát bên Lô Hương, hay thắp quá nhiều đèn nến, đèn điện… trong Thần Án.
Ngoài ra, cũng vì lẽ đó mà trong không gian thờ cúng có trang bài Hoành phi, câu đối, Cuốn thư… cũng lề lối.
Hoành phi treo ở Cửa Võng, câu đối ở hàng Nhang Án, là không gian chuyển tiếp thiên về người sống, nên số chữ là 4, số Âm, nhưng ý nghĩa là để nhắc nhở người sống, màu sắc Dương tính như sơn đỏ, vàng.
Cuốn thư ở trong cùng thuộc về Thần án, số chữ là 3, tính Dương nhưng ý nghĩa là để ca tụng công đức người đã khuất, sơn màu Âm tính như màu đen.