Sơ lược về ban thờ xưa

Ban thờ tư gia đã được giới thiệu chung ở phần trước với những khái niệm cơ bản nhất. Ở phần tiếp theo, Trúc lạc xin trình bày Sơ lược về ban thờ xưa.

1. Giới thiệu chung về không gian thờ cúng

Người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, xưa nay vốn rất coi trọng sự thờ cúng tổ tiên, tùy vào điều kiện mà lo sắm sửa, trang bày đồ thờ. Không gian thờ tự luôn được bố trí ở vị trí trung tâm, trang trọng, nghiêm cẩn nhất.

Nhà có điều kiện thì có riêng gia từ (Gia từ là một căn nhà thờ của gia đình, riêng biệt đối với các khối nhà khác), nhà thường dân không có nhà thờ riêng thì bố trí ở gian trung tâm tại nhà đang ở.Việc thờ cúng qua nghi thức thắp hương, dâng lễ vật ở gia đình được thực hiện vào các ngày sóc, vọng, lễ tết, giỗ tổ tiên ông bà cha mẹ, những dịp gia đình có sự việc trọng đại cần có sự có mặt của gia tiên hoặc cầu xin gia tiên phù hộ.

Không gian thờ cúng của gia từ
Không gian thờ cúng của gia từ

Dù được bố trí riêng biệt trong gia từ hay ở gian giữa của ngôi nhà chính, thì gian thờ tự cũng được phân định rõ thành không gian thiêng, được bao khuôn và bài trí theo các quy tắc nhất định, đảm bảo tính thiêng và phân tách giữa không gian người sống và thần linh.

Một ban thờ điển hình gồm 3 lớp: Giường cầu, giường hành, và hương án. Cả 3 lớp bàn này được bao trọn trong phạm vi gian giữa, từ tường hậu đến 4 cột cái.

2. Cách sắp xếp không gian thờ tự

Về không gian chiều ngang, trong cùng là giường cầu, là tâm điểm thiêng liêng, ngoài cùng là hương án, là nơi giao tiếp của người còn sống và người được thờ. Về không gian chiều đứng, từ mặt đất phía dưới ban đến khoảng không gian trên cao đều được gìn giữ nghiêm cẩn, nền đất phải “sạch”, phía trên nóc có cửa võng và các cấu kiện trang trí được đục chạm các đồ án hoa văn trừ tà, tróc quỷ, lồng ghép vào đó các đồ án cầu mong được bình yên no ấm.

2.1 Giường cầu trên ban thờ

Ý nghĩa và vị trí

– Còn được gọi là thần án, là trung tâm linh thiêng nhất của ban thờ, thường làm bằng gỗ để mộc hoặc sơn ta, gắn cố định giữa 2 cột quân với tường hậu, có vị trí cao nhất trong 3 tầng với số đo chiều cao được gia chủ lựa chọn phù hợp với phong thủy. Trên chính giữa giường cầu, sát về phía sau, bày ngai thờ, ỷ thờ, hoặc khám thờ, hoặc giá giương, ảnh thờ… tùy theo chủ nhà là con trưởng hay thứ.

Giường cầu hay thần án trên ban thờ
Giường cầu hay thần án trên ban thờ

Chức năng

Giường cầu là nơi ngự của Thần linh, tiên tổ… là không gian của cõi âm, nên chỉ bài trí các tế khí, tự khí để các tinh linh y về, rất hạn chế người lạ và người nhà được tiếp xúc, chỉ có gia chủ hoặc chủ tế mới được tiếp xúc, dâng hiến lễ nghi.

2.2 Giường hành

Ý nghĩa và vị trí

Còn gọi là thực án, là lớp giữa của không gian thờ, có độ cao thấp nhất trong 3 lớp, chiếm khoảng không gian từ 2 cột quân ra gần chạm 2 cột cái, phía trên giường hành, về phía ngoài cửa chính, có gắn y môn.

Giường hành hay Thực án ở lớp giữa
Giường hành hay Thực án ở lớp giữa

Chức năng

Giường hành là nơi dâng hiến lễ vật trong các dịp thờ cúng, là nơi bày cơm chay, hoặc cỗ mặn, trầu, chè, rượu, nước… Giường hành là nơi thụ hưởng lễ vật của con cháu dâng cúng, cho nên, sau khi dâng lễ sẽ thả rèm y môn xuống để che khuất, tinh linh tự nhiên chứng hưởng lễ vật. Gộp không gian giường cầu với giường hành, tính từ ỷ môn trở vào đến tường hậu, là bao trọn không gian của Thần linh và hương linh tiên tổ, là không gian của cõi thiêng cần tuyệt đối thành kính và nghiêm cẩn, không để người khách lạ hoặc người nhà uế tạp được tiếp cận.

2.3 Hương án

Ý nghĩa và vị trí

Còn được gọi là Nhang án, là lớp ban thờ ngoài cùng, là không gian thờ cúng tiếp giáp với không gian sinh hoạt của người sống trong gia đình. Hương án được kê sát từ giường hành ra phía bên ngoài 2 cột cái, có chiều cao thứ 2 trong 3 lớp, cao hơn giường hành nhưng thấp hơn giường cầu. Phía trên hương án thường được gắn cửa võng. Cửa võng chính là bức bình phong nhằm ngăn cách và phân biệt không gian thờ cúng và không gia sinh hoạt. Chính giữa, sát phía ngoài của hương án bày bát hương. Bát hương này gọi là bát hương công đồng, (cần phân biệt với bát hương thờ tổ, chỉ đặt trên giường cầu, trước Thần chủ), tức bát hương chung của cả ban thờ.

Hương án hay Nhang án ở lớp ngoài cùng
Hương án hay Nhang án ở lớp ngoài cùng

Chức năng

Hương án là nơi tiếp nhận nghi lễ và chuyển tiếp ước nguyện, lòng thành lên các bậc thần linh tiên tổ, là không gian giao tiếp giữa người còn sống và các bậc tiền nhân, nên có thể cho phép khách lạ hay mọi người trong nhà được tiếp cận, dâng hương.

Đối với các gia đình không có điều kiện lập đủ 3 lớp như trên thì có thể chỉ cần bố trí 1 ban thờ. Ban thờ tuy nhỏ những cũng được xếp đặt rút gọn tuân thủ các ước lệ này, vẫn đảm bảo có phần không gian thần án, thực án và hương án, được đặt trang trọng ở gian trung tâm.

3. Về tạo tác đồ thờ

Cha ông ta rất quan tâm đến việc lựa chọn nguyên vật liệu, chọn thợ, lựa ngày lành tháng tốt giờ đẹp để chế tác đồ thờ. Đồ thờ được chọn lựa kỹ các số đo dài, cao, rộng vừa theo phong thủy, vừa tạo dáng hài hòa cân đối.

Mỗi đồ thờ đều được đục chạm tinh xảo, với các đồ án trang trí hoa văn nhất thiết phải mang đậm ý nghĩa tâm linh như tứ linh, tứ quý, hổ phù, thao thiết cùng các hoa lá, hoa dây, triện hóa… Các đồ án này vốn dĩ chỉ dành riêng cho đồ thờ, không đục chạm cho đồ dùng nội thất.

Ngoài ra, để đảm bảo tính thâm nghiêm và bền vững, đồ thờ còn được sơn ta, thếp vàng vừa tạo ra vẻ đẹp tâm linh vừa mang tích tách biệt rạch ròi đồ thờ và đồ dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *