Bài trí ban thờ truyền thống-Giường cầu (Thần Án)

Giường cầu hay Thấn án là lớp cao nhất, là trung tâm linh thiêng nhất của ban thờ mà ở phần 2 chúng ta đã phác thảo sơ lược, bài này sẽ đi sâu về bài trí các đồ thờ trên 3 lớp ban thờ.

Trước hết, cần phải nói rằng việc thờ cúng trong gia đình người Việt (ở đồng bằng sông Hồng) có truyền thống lâu đời, gắn liền với tiến trình tạo lập cuộc sống, luôn có sự biến đổi, tiếp nhận, thừa hưởng các quan niệm về tôn giáo, tín ngưỡng… Trong đó, ban thờ trước thời kỳ Pháp thuộc có tính ổn định và định hình minh triết của người Việt về tâm linh và kỹ, mỹ thuật. Khoảng đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945, dưới sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, sự thờ cúng có sự đổi thay rõ nét.

Trong khuôn khổ bài viết, chỉ mong cung cấp các thông tin về ban thờ truyền thống ở tư gia được chấp nhận rộng rãi trước đầu thế kỷ, có tính đến sự tiết giảm tác động văn hóa mới phương Tây.

Gường cầu (Thần án)

Đây là trung tâm linh thiêng nên chỉ có một số tự khí nhất định được chọn. Tại chính giữa, sát về tường hậu sẽ có Khám, Ngai/Ỷ thờ, hai bên có đôi hạc, ảnh thờ, tranh thờ, giá gương, tượng thờ. Đôi khi ở những thế gia vọng tộc còn có có hòm đựng Sắc, mũ mão áo hia, giá gươm và gươm vía… Phía ngoài, chính giữa, là một bát hương, thường dùng Bát Hương quả lựu với ý nghĩa con đàn cháu đống.

Khám thờ

Còn được gọi là Khám gian, hay Long Khám, ở nhà thờ Tổ họ thường chỉ để an vị Thần chủ thủy tổ của cả họ, Thần chủ tổ các phân chi được an vị trong các Khám riêng biệt, thảng hoặc có dòng họ an vị các Thần chủ tổ chi vào cùng một Khám. Ở tư gia, nếu có Khám thờ thì sẽ an Thần chủ đến đủ 4 đời: Cao, tằng, tổ, khảo, tức từ Cha Mẹ đẻ, Ông Bà, Cụ, Kỵ.

Thần chủ thường làm bằng gỗ táo, gỗ bạch đàn (họ đàn hương, không nhầm với cây bạch đàn thường gặp), ngày thường thì an trong Khám, khi cúng tế mới rước ra, xong lại an vào Khám, hễ đến đời thứ 5 thì Thần chủ của Cao tổ được “mai thần chủ”, tức là chôn đi hoặc cũng có nơi rước về nhà thờ của Chi hoặc Họ để thờ chung, gọi là phối tự.

Khám có thể được thờ chung với Ngai/Ỷ, cũng có thể chỉ có Khám, nhà trưởng họ, trưởng chi hay tư gia đều có thể thờ.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, tại các từ đường Tổ dòng họ, Chi nhánh, thường bài trí Giường Cầu với Khám thờ riêng cho Tổ tiên, tách bạch với Ban thờ Thổ Thần và Ban thờ bà Cô ông Mãnh, là cảm hứng cho các tư gia biệt thờ tương tự. Thực tế, phần lớn gia đình đều chỉ lập Ban thờ chung cho Thổ Thần và Tổ tiên, bà Cô ông Mãnh, sau này phát sinh thành 3 Bát hương công đồng tương ứng.

Ngai/Ỷ thờ

Cả hai đồ thờ này có hình dáng, công năng tương tự nhau. Ngai thì có phần thân là các con tiện và vách lưng tựa đục chạm hình Rồng và chỉ dành cho nhà trưởng.

Ngai có phần thân là các con tiện và vách lưng tựa đục chạm hình Rồng
Ngai có phần thân là các con tiện và vách lưng tựa đục chạm hình Rồng

Ỷ  chỉ có 3 vách gỗ rời nhau, đục chạm hoa lá, long hóa, triện tàu, chữ thọ… Con thứ cũng có thể bày Ỷ, đặt chính diện trước Khám hoặc thay ở vị trí của Khám (nếu không có Khám).

Ỷ có 3 vách gỗ rời nhau, đục chạm hoa văn
Ỷ có 3 vách gỗ rời nhau, đục chạm hoa văn

Trên lòng Ngai/Ỷ thường thì không bày biện gì, khi cúng tế Thần chủ nào thì rước lên, hoặc chỉ an một Bài vị cố định nếu không có Khám. Cũng có khi được an Tượng thờ hoặc áo mũ hia trong trường hợp Ban thờ cụ thể một nhân vật nào đó.

Tranh/ảnh thờ

Giá gương, tranh ảnh, bài vị… nói chung là sự hiện thực hóa hình ảnh của tổ tiên, được an vị bên cạnh Khám, Ngai/ Ỷ, theo nguyên tắc “tả chiêu, hữu mục”, tính theo hướng nhìn của người đứng quay lưng lại bàn thờ.

Đôi hạc

Trong quan niệm của các cụ răng đen thì bộ thờ tam sự, ngũ sự, thất sự không thấy có đôi hạc. So sánh về niên đại thì sự xuất hiện của đôi hạc thờ cũng muộn hơn, phỏng đoán rằng hạc là hình ảnh con vật thiêng của Đạo giáo, thâm nhập vào tín ngưỡng thờ thần của Nho giáo, mang hàm ý “cưỡi hạc quy tiên”, thanh cao, trường thọ…

Trong các bài trí cổ, đôi hạc thường được bố trí 2 bên Khám, Ngai/Ỷ, nhưng hiện nay chủ yếu được đặt 2 bên Đỉnh trầm. Lối bày biện hiện nay là mới có, quan sát các hình ảnh chụp ban thờ đầu thế kỷ XX, thì đôi hạc không bày 2 bên Đỉnh, không hợp lý về tâm linh.

Bát hương ở Giường cầu

Bát hương này là bát hương thần chủ tổ họ hoặc tổ chi, không phải là bát hương công đồng, nên cần thận trọng tiếp cận và hương khói với ý nghĩa thờ phụng thần chủ “bách thế bất thiên”. Ở tư gia, bát hương này có thể có, cũng có thể không, nhưng chỉ người chủ tế hoặc trưởng tử thờ phụng mới nên hương khói.

Bát hương ở Giường cầu (Thần án)
Bát hương ở Giường cầu (Thần án)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *